ALMA phải thực hiện đúng quy định của pháp luật!
Mọi hoạt đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải áp dụng hệ thống pháp luật Việt Nam. Do vậy, ALMA “trần tình”: mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ đang triển khai ở Việt Nam là hợp pháp ở Israel song vẫn cần tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Pháp luật Việt Nam khi đâu tư kinh doanh tại đây.
More...
Lựa chọn trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp là đánh đố
Liên quan đến lựa chọn trọng tài, ALMA khẳng định họ chọn Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó pháp luật Việt Nam cho phép lựa chọn cơ quan giải quyết như Tòa án Việt Nam, Trọng tài Việt Nam, Trọng tài quốc tế, Trọng tài nước ngoài … theo điều 12 Luật Đầu tư 2005, điều 14 Luật Đầu tư 2015.
Tuy nhiên, quan điểm của ALMA trong trường hợp này là không phù hợp. ALMA đã áp dụng sai luật, theo đó điều 12 Luật Đầu tư 2005, điều 14 Luật Đầu tư 2015 điều chỉnh giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tức là tranh chấp giữa các nhà đầu tư với nhau.
Trong khi đó, tranh chấp theo hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là tranh chấp giữa nhà đầu tư với khách hàng không thể áp dụng điều 12, 14 Luật Đầu tư để lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Hơn nữa việc lựa chọn SIAC chính là đánh đố, dồn ép khách hàng vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Khách hàng không thể sang Singapore để giải quyết tranh chấp trong khi chi phí đi lại, ăn ở …có thể vượt quá/gấp nhiều lần số tiền tranh chấp theo hợp đồng.
Ngoài ra ALMA giải thích lý do lựa chọn SIAC vì sở hữu kỳ nghỉ là hoạt động kinh doanh mới mẻ ở Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp chưa có nhiều kinh nghiệm. Điều này thể hiện ALMA không chỉ coi thường người tiêu dùng Việt Nam mà còn coi thường cơ quan tài phán ở Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ngày 24/4/2017 ALMA đã thay đổi từ đơn vị giải quyết tranh chấp là SIAC sang Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Với động thái của ALMA nói trên có thể coi là có dấu hiệu cầu thị tiếp nhận ý kiến của khách hàng về điều khoản giải quyết tranh chấp được coi là đánh đố khách hàng Việt. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý khi có tranh chấp Hợp đồng xảy ra, các bên có thể lựa chọn việc giải quyết tranh chấp bằng các hình thức thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài.
Trước tiên, cần khẳng định rằng không thể tiến hành tố tụng trọng tài nếu không có thỏa thuận Trọng tài. Vì thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài không mang tính đương nhiên, mà Trọng tài chỉ có thẩm quyền khi các bên trao quyền giải quyết tranh chấp Hợp đồng cho trọng tài, việc trao quyền giải quyết tranh chấp Hợp đồng cho Trọng tài được thể hiện bằng một điều khoản trong Hợp đồng hoặc một thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước Trọng tài
Khoản 1 Điều 5, Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 có quy định: “1.Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận Trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”. Theo từ điển tiếng Việt “Thỏa thuận” có nghĩa là đồng ý với nhau về một điều nào đó liên quan đến các bên sau khi đã bàn bạc, trao đổi. Theo đó, đối với việc thay đổi điều khoản giải quyết tranh chấp trọng tài, ALMA cần có ý kiến chính thức bằng văn bản của các khách hàng về việc đồng ý hay không đồng ý cơ quan giải quyết tranh chấp trên nguyên tắc thỏa thuận nói trên. Mặt khác việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay Tòa án của các bên phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Tại Điều 17 Luật trọng tài Thương Mại 2010 cũng ghi nhận quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng qui định: “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”.
Tại khoản 5, Điều 4, Nghị quyết số 01/2014 ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số điều của Luật Trọng tài Thương mại 2010 có nêu Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được khi “Nhà cung cấp hàng hóa,dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong điều kiện chung về cung cấp hàng hóa dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn qui định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp”.
Như vậy, để xoa dịu sự bức xúc và lấy lại niềm tin của khách hàng, ALMA đã đưa ra việc “sửa đổi” Hợp đồng tưởng như là một sự nhượng bộ, thể hiện ý kiến lắng nghe vì quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, ALMA khẳng định:“đã thay đổi cơ quan giải quyết tranh chấp và điều này đã được Công ty đưa vào áp dụng thực tế trong các Hợp đồng gần đây..” vẫn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với nguyên tắc thỏa thuận trong giao kết hợp đồng đối với khách hàng.
Cơ sở pháp lý nào của Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ?
ALMA đã dẫn chứng cơ sở pháp lý của Hợp đồng là Luật Du lịch, Luật Thương mại và Bộ luật dân sự. Đồng thời ALMA cũng khẳng định đối tượng của hợp đồng là “dịch vụ lưu trú”. Như vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điều 64 Luật Du lịch và Điều 18 Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/06/2007 qui định chi tiết một số điều của Luật du lịch.
Theo đó, điều kiện cụ thể đối với dịch vụ này là các biệt thự, căn hộ phải đảm bảo yêu cầu về trang thiết bị (tức cơ sở vật chất) và mức độ phụ vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng (hạng đạt tiêu chuẩn và hạng đạt tiêu chuẩn cao cấp.) Tuy nhiên, Dự án khu nghỉ dưỡng của ALMA đến nay vẫn chưa hoàn thành, ALMA chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ này theo Luật Du lịch nhưng vẫn tiến hành ký hợp đồng với khách hàng là vi phạm quy định của pháp luật.
ALMA sử dụng các thuật ngữ để giải thích đối tượng hợp đồng như “quyền nghỉ dưỡng”, “sở hữu kỳ nghỉ” đều là những thuật ngữ mơ hồ, ngớ ngẩn. Quyền nghỉ dưỡng không phải thuật ngữ du lịch, vô nghĩa trong tiếng Việt. Còn thuật ngữ “Sở hữu kỳ nghỉ” mà ALMA đưa ra như là việc đánh tráo, lập lờ khái niệm, dễ gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ là vi phạm nguyên tắc trong ký kết Hợp đồng theo Bộ luật dân sự của Việt Nam.
Theo khái niệm trong trong từ điển Tiếng Việt thì “kỳ nghỉ” là một khoảng thời gian tạm ngừng công việc hay hoạt động nào đó nên đây là một trạng thái chứ không phải là một loại tài sản, vì không phải là tài sản nên sử dụng thuật ngữ “sở hữu” trong trường hợp này là khiên cưỡng. Vì vậy, khái niệm “Sở hữu kỳ nghỉ” trong Hợp đồng là không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng “mua sở kỳ nghỉ” vì nhầm tưởng đó là một bất động sản để kinh doanh sinh lợi nhuận, từ đó “thổi” giá lên cao.
Ngoài ra, về đối tượng của Hợp đồng đối với sản phẩm kinh doanh dịch vụ du lịch của ALMA là Khu nghỉ dưỡng của ALMA trên thực tế đang xây dựng dự kiến hoàn thành đến năm 2018. Như vậy đối tượng Hợp đồng của ALMA là Khu nghỉ dưỡng còn chưa có.
Theo qui định tại Điều 411 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 408 Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được “Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, Hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì Hợp đồng này vô hiệu”. Dưới lăng kính pháp luật hình sự thì việc ALMA bán cái họ chưa có, chưa có quyền sở hữu là có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng, trên thực tế đã có rất nhiều đại gia bất động sản “xộ khám” trong thời gian vừa qua vì lý do tương tự, tiêu biểu trong số đó có bà Châu Thị Thu Nga, nguyên Đại biểu Quốc hội.
Còn rất nhiều vấn đề bất cập
Liên quan đến vấn đề này, báo chí có đưa ra câu hỏi là hiện nay công ty đã nhận được giấy phép cuối cùng của dự án chưa. Tuy nhiên, trong Thông cáo báo chí ALMA đã không trả lời câu hỏi một cách thẳng thắn có hay không mà trả lời vòng vo về việc chấp hành, lắng nghe cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoàn thành các thủ tục giấy tờ pháp lý.
Ngoài ra, ALMA cam kết về tiến độ xây dựng của Dự án sẽ chính thức khai trương Khu nghỉ dưỡng vào năm 2018. Tuy nhiên trên thực tế cam kết này không có tính khả thi.
Với mô hình nghỉ dưỡng phức hợp với Tòa nhà chính cùng 200-400 căn villa, biệt thự, căn hộ và quần thể khu vui chơi giải trí cùng với hàng loạt qui trình cấp phép liên quan đến Dự án và một khoản tiền đầu tư khổng lồ, chưa nói đến các yếu tố khách quan khác ảnh hưởng thì việc Khu nghỉ dưỡng được đi vào hoạt động vào năm 2018 là phi thực tế.
Bên cạnh đó, ALMA khẳng định đã có sự liên kết với các đối tác, tổ chức quốc tế để “trao đổi kỳ nghỉ” quốc tế tại các quốc gia khác nhau trên thế giới như DAE và RCI. Tuy vậy dưới góc độ pháp lý cần xem xét các tổ chức này có tư cách pháp nhân không hay chỉ là các câu lạc bộ, hiệp hội mà ALMA mục đích dùng để liên kết và mượn danh “trốn thuế” gây thất thoát ngân sách nhà nước và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa Doanh nghiệp hoạt động du lịch theo qui định của pháp luật Việt Nam.
ALMA đưa ra vấn đề thay đổi phương án thiết kế của Khu nghỉ dưỡng theo hướng tăng quyền lợi cho người nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, việc nêu ra vấn đề này cho thấy sự thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng của ALAM.
Việc thay đổi thể hiện sự thiếu sót, hạn chế trong phương án thiết kế ban đầu. Hơn nữa việc thay đổi phương án thiết kế cần phải hỏi ý kiến khách hàng đã ký hợp đồng mà ALMA không tự ý thay đổi.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng nghỉ dưỡng (dịch vụ lưu trú) chỉ đủ điều kiện khi có tài sản hiện hữu.
Để lý giải điều này, ALMA đã viện dẫn đơn vị soạn thảo Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là Vilaf và dẫn chiếu nội dung: “Ngay từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty đã được phép vận hành dự án theo cách mà Công ty đang thực hiện..” là câu trả lời tránh né, đổ lỗi sang Vilaf.
Về mặt pháp lý, ALMA kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo mô hình “nghỉ dưỡng” phải đảm bảo các điều kiện theo Luật Du lịch tức là phải có Khu nghỉ dưỡng của ALMA. Tuy nhiên, trên thực tế Dự án của ALMA chưa hoàn thành.
Như vậy ALMA đang bán cái họ chưa có là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do vậy, hành vi sai trái của bất kỳ tổ chức cá, nhân nào do (lỗi) sự tư vấn của tổ chức cá nhân khác có thể là lý do, nhưng không phải là căn cứ thoái thác trách nhiệm, loại trừ trách nhiệm dân sự, hình sự (nếu có) của tổ chức đó.
ALMA khẳng định mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ đang triển khai ở Việt Nam là hợp pháp ở Israel. Điều này không phải là tiền lệ để áp dụng tại Việt Nam.Tuy nhiên, mọi hoạt đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải áp dụng hệ thống pháp luật Việt Nam. Do vậy, ALMA cần tôn trọng và thực hiện đúng quy định của Pháp luật Việt Nam khi đâu tư kinh doanh tại đây.
Theo Hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” của ALMA, tại ngoại ô giá trị cho thuê 01 căn hộ nghỉ dưỡng có giá từ 15.000 USD đến 20.000 USD, nhưng khách hàng chỉ được quyền thuê để ở 01 tuần/năm. Như vậy, đối với 52 tuần/năm, cho 52 khách hàng khác cho thuê với giá thuê như trên thì tổng số tiền/căn hộ có giá trị lên tới trên dưới 1.000.000 USD, nhưng chỉ là người thuê với kiếp “ở trọ” trong căn hộ mà ALMA mới thực sự là người làm chủ.
Lý do tiếp theo là Khách hàng sẽ mất không một khoản tiền vô lý ngay sau khi ký Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Tại các buổi Hội thảo, đại diện chủ đầu tư và các nhân viên sale, marketing đã đưa ra nhiều lợi ích và cam kết phiến diện theo kiểu “thầy bói xem voi” nên rất hấp dẫn với người nghe.
Đơn cử, đối với Dự án Khu nghỉ dưỡng ALMA của Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng Việt để dễ dàng thu lợi nhuận đến hàng triệu đô la/căn hộ cho thuê có diện tích 70m2 bằng việc thu ngay một khoản tiền từ 400 đến 800 triệu đồng, thực tế thì với số tiền này người đi du lịch chỉ việc gửi vào ngân hàng, rồi ung dung hưởng lãi xuất hằng năm từ 8 – 10%, tương đương (từ tối thiểu) 32.000.000 đến 80.000.000 VNĐ, với số tiền này người tiêu dùng đủ để du lịch “xả láng” với dịch vụ có chất lượng tương đương, mà không bị bó buộc về không gian và thời gian đi du lịch và nhất là số tiền gốc còn nguyên đó. Như vậy, số tiền người tiêu dùng bỏ ra là hoàn toàn uổng phí, vô lý.
Một lý do nổi bật nữa khách hàng không thể kiểm soát các loại phí dịch vụ chủ đầu tư đưa ra khi phải gánh chịu các khoản phí duy trì hoạt động, phí quản lý, duy tu liên quan đến Dự án bất động sản nghỉ dưỡng với số tiền ban đầu được xác định từ 200 – 300 USD/năm.
Tuy nhiên, các khoản phí này trong các năm tiếp theo có thể được chủ đầu tư điều chỉnh tùy ý, đây sẽ là một khoản “chụp mũ tài chính” cho khách hàng, buộc khách hàng Việt phải gánh gồng một cách vô lý rồi đến một ngày, phí dịch vụ có thể đắt hơn cả một chuyến du lịch, cho đến khi khách hàng mệt mỏi và ắt sẽ từ bỏ Hợp đồng thì Chủ đầu tư đã dễ dàng loại bỏ một lượng đông (nếu không muốn nói là tất cả) khách hàng mà không phải hoàn trả bất cứ một đồng nào đối với khoản tiền lớn khách hàng đã bỏ ra khi mua Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.
Thời gian book phòng thời gian càng dài, rủi ro càng lớn. Tháng trước, tôi dự định đi du lịch ở Đà Nẵng và đã book phòng trước đó một tuần, tuy nhiên vì phiên đàm phán cho thân chủ ở TP. Hồ Chí Minh diễn ra gấp gáp đúng vào thời điểm đó nên đành hủy và tôi đành chịu mất cả tiền phòng, tiền vé máy bay…..
Mọi người có thể tượng tượng điều gì đang chờ đợi chúng ta trong 5 năm, 10 năm hay thậm chí 40 năm như trường hợp của Công ty ALMA lừa đảo, chúng ta sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này, vì có quá nhiều lý do tiềm ẩn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước như ốm đau, bệnh tật, tuổi già, ra nước ngoài định cư…và hàng trăm hàng ngàn lý ro khác không thể biết trước, vì ai mà biết trước được ngày mai. Tóm lại, với thời gian book phòng càng dài, rủi ro càng lớn, nhưng điều tệ hại nhất là chúng ta không thể đoán định và kiểm soát được những rủi ro này.
Như vậy, với những quảng bá mỹ miều về khoản “đầu tư tài chính” mang lại lợi nhuận cho khách hàng Việt đối với Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nhưng thực chất khách hàng phải đối mặt vô số rủi ro. Các chủ đầu tư của các Dự án bất động sản theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ đã mang đến cho khách hàng Việt về một khoản đầu tư siêu lợi nhuận…trên Giấy không hơn không kém, một cái bẫy “Đầu tư” hết sức thông minh của Chủ đầu tư mang tên “sở hữu kỳ nghỉ” mang đến cho khách hàng Việt. Do đó các cơ quan quản lý tại địa phương nơi có Dự án cũng như Bộ kế hoạch đầu tư cần thanh tra kiểm tra làm rõ, cảnh báo cho người tiêu dùng Việt Nam thận trọng khi quyết định tham gia vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ đang ào ạt tiếp cận khách hàng trong thời gian gần đây.
Để lại một bình luận